5 buoc no

Quản lý nợ với 5 bước đơn giản

Share on facebook
Share on twitter
Share on pinterest
Share on linkedin

Nếu bạn đang tìm hiểu về tự do tài chính chắc hẳn sẽ không thể bỏ qua cách làm thế nào để trả nợ. Trả nợ là bước đầu tiên giúp bạn đạt được tự do về tài chính. Bạn đừng bỏ qua điều này nếu hiện giờ bạn chưa có khoản nợ nào. Bởi nếu bạn là “chủ nợ” của bạn bè thì có thể hướng dẫn họ cách để trả tiền cho bạn sớm hơn.

Nhiều người trong số chúng ta ít nhiều đã từng vay nợ một khoản nho nhỏ nào đó. Nợ nần không phải điều gì xấu cả, nhưng sẽ rất tệ nếu bạn không tìm cách giải quyết hợp lý thì sẽ dẫn đến những mệt mỏi cho chính mình. Bạn sẽ phải lao đầu làm việc, chờ đồng lương và khi trả hết, tài khoản đã thâm hụt đi khá nhiều.

Tôi từng trong hoàn cảnh như vậy và đến bây giờ vẫn còn rùng mình với cảnh “lương chưa về nhưng đã biết tiêu hết vào gì rồi”. Bạn đã ý thức được tình hình hiện tại của mình chưa? Hãy ngồi xuống và đặt bút thực hiện theo các bước đơn giản để giải thoát nợ nần ngay sau đây.

Lập danh sách các khoản nợ

Bạn hãy viết ra giấy một danh sách sách các khoản nợ, mức thanh toán tối thiểu và lãi suất kèm theo. Trước khi đưa ra những quyết định, bạn cần xem xét các khoản nợ hiện đang như thế nào.

Một số những khoản nợ thường gặp:

Nợ người nhà

Nợ bạn bè, đồng nghiệp

Nợ tín dụng

Nợ ngân hàng

Vay thế chấp

Trong quá trình trả nợ, bạn nên lưu ý hạn chế phát sinh các khoản nợ mới và luôn luôn trả các khoản tối thiểu đầu tiên.

Khoản tiền tối thiểu là khoản bạn cần thanh toán trong một thời gian nhất định để tránh phát sinh lãi suất. Ví dụ vay nợ thẻ tín dụng cần thanh toán khoản tối thiểu trước một thời gian quy định của ngân hàng, nếu không bạn sẽ bị phạt lãi trả chậm.

Sắp xếp thứ tự ưu tiên của các khoản nợ

Sau khi bạn đã thanh toán các khoản tối thiểu cần phải trả trong một thời gian nhất định, bạn sắp xếp các khoản nợ theo thứ tự từ nhỏ đến lớn. Sử dụng phương pháp cuốn chiếu bắt đầu từ khoản tiền nhỏ nhất đến lớn nhất. Luôn luôn ưu tiên trả khoản bé để tích cóp tiền cho khoản lớn hơn.

Ngoài ra, bạn có thể ưu tiên thanh toán những khoản có lãi suất cao nhất để giảm bớt áp lực tiền trả thêm trong những tháng tiếp theo. Việc lựa chọn sắp xếp theo thứ tự ưu tiên nào phụ thuộc vào mong muốn của bạn để phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.

Cắt giảm chi tiêu, tập trung trả nợ

Điều quan trọng, bạn cần làm mọi cách để thoát khỏi nợ nần chứ không lún sâu vào nó. Nếu bạn đang có một khoản nợ thì liệu có nên chi tiêu như bình thường hay không? Điều này vẫn có thể được. Tuy nhiên, bạn thử xem xét cắt giảm một số chi phí không cần thiết để có thêm khoản tiền cho việc trả nợ nhanh chóng.

Bạn sẽ không còn đau đầu và mệt mỏi khi chạy theo đồng tiền và cố gắng trả nợ.

Bạn sẽ giải quyết những phiền não và lo lắng sợ không đủ chi tiêu trong tháng tới.

Để có được những điều này, bạn cần đưa ra những hành động cụ thể từ chính mình. Lập kế hoạch chi tiêu và dùng nhiều tiền mặt hơn giúp bạn tích lũy trang trải khoản nợ đang có.

Ngoài ra, bạn hãy tìm kiếm một công việc làm thêm, over-time (tăng ca) hoặc bán hàng online để kiếm thêm ngoài thu nhập chính. Bạn hãy thử tưởng tượng cảnh không còn nợ nần bám đuổi nữa để có động lực và quyết tâm kiếm tiền.

Tôi từng gặp một vài đồng nghiệp cũ luôn sống trong cảnh nợ tín dụng, nợ bạn bè và đồng nghiệp cho những chuyến du lịch tùy hứng, ăn uống bên ngoài bất kể thời gian nào được rủ rê,…. Thảm cảnh cho họ đó là tiền lương của các tháng kế tiếp không đủ chi tiêu cơ bản và luôn vay chỗ này bù đắp chỗ kia. Tôi không nói rằng chúng ta không tận hưởng cuộc sống, những cuộc hẹn bất chợt luôn thú vị hơn sắp đặt từ trước. Nhưng nếu bạn đang có những khoản nợ dai dẳng, hãy luôn ý thức về điều này và thoát khỏi nó để đến với cuộc vui trọn vẹn hơn.

Tôi cá rằng khi đi chơi bạn sẽ cảm thấy lo lắng, không thoải mái vì còn suy nghĩ nên vay tiền của ai. Tôi đã từng như vậy vào những năm đầu đi làm. Chúng ta nên cân nhắc cho những dự định trước mắt, thay vì bị dụ dỗ bởi những “hoa thơm cỏ lạ ven đường”.

Tích lũy tiền tiết kiệm bằng cách sử dụng nguyên tắc trả nợ 70/30

Nguyên tắc tài chính 70/30 xuất hiện trong cuốn sách :Thịnh vượng tài chính tuổi 30. Bạn hãy lấy thu nhập của mình trừ đi khoản chi tiêu không-thể-cắt-giảm còn dư bao nhiêu, lấy số dư này chia 70/30. Khoản tiền dư 70% sử dụng trả nợ, 30% còn lại hãy tiết kiệm.

Theo lý giải của tác giả, 70% dùng trả nợ sẽ giúp khoản nợ của bạn ngày càng ít đi, trong khi đó 30% còn lại giúp tiền tiết kiệm của bạn tăng lên. Vòng xoáy nợ nần ngày càng nông, bạn sẽ ít bị cuốn vào đó. Tình hình tài chính của bạn trở nên khởi sắc hơn.

Bạn nên giữ lại một ít tiền trong tài khoản và không rút sạch để trả hết nợ. Bạn sẽ cảm thấy có động lực, niềm tin và sự hứng khởi để làm việc mà không còn cảm thấy chán nản. Khi bạn gánh một khoản nợ trên vai và đi làm không giữ được một đồng nào vì đã trả sạch cho nợ nần, bạn luôn thấy cuộc sống quá áp lực. Kèm theo đó, bạn sẽ có thể đưa ra những hành động khiến nợ nần ngày càng nhiều, như mua sắm, đi nhậu, vay thêm tiền, vay nợ tín dụng lãi suất cao…

Sử dụng thông minh thẻ tín dụng

Hiện nay, thẻ tín dụng không còn xa lạ với nhiều người bởi sự tiện dụng và xuất hiện nhiều trên truyền thông đại chúng. Nhiều người muốn sử dụng thẻ để mua trả góp, thanh toán online, mua hàng siêu thị không cần tiền mặt,…

Tôi không phủ nhận mặt lợi ích của thẻ tín dụng, vì tôi cũng hay sử dụng thẻ cho mục đích công việc của mình, như dùng để mua tên miền, hosting tạo blog này,…

Nhưng chúng ta nên sử dụng thẻ tín dụng như thế nào?

Điều đầu tiên, bạn không được quên ngày trả khoản tối thiểu vì sẽ bị phạt lãi trả chậm nếu thanh toán quá hạn. Thường mỗi ngân hàng quy định ngày thanh toán này không giống nhau. Có những ngân hàng sao kê chi tiêu thẻ vào ngày 10 thì ngày 25 (sau 15 ngày kể từ ngày sao kê), bạn cần thanh toán khoản tối thiểu khoảng 2-5% tùy ngân hàng.  Nếu quá hạn trả khoản tối thiểu thì khoản này được xem tính phí trả chậm và lãi suất quá hạn, một số ngân hàng lưu lại làm lịch sử tín dụng của bạn.

Thứ 2, bạn cần trả toàn bộ tiền trên bản sao kê trước ngày hết hạn thanh toán nếu không muốn bị báo cáo lên Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC). Điểm tín dụng xấu có thể khiến bạn gặp khó khăn cho vay vốn hoặc làm tín dụng của các ngân hàng khác.

Thứ 3, hãy hạn chế trả góp nếu chi tiêu khoản không cần thiết. Đừng có gắng mang trên vai một khoản nợ nào, dù có thể, bạn mua trả góp với lãi suất 0%. Mỗi tháng, bạn sẽ mất đi một khoản tiền cho nợ tín dụng và ảnh hưởng đến kế hoạch chi tiêu khác của mình.

Trên đây là 5 bước đơn giản giúp bạn quản lý các khoản nợ của mình hiệu quả nhất. Đọc thêm các bài viết về tài chính cá nhân của tôi tại đây.

Lời nhắn gửi tới một cây viết

Các bài viết liên quan