lap-ngan-sach-3

Nguyên tắc ngón tay cái – ngân sách 50/30/20

Share on facebook
Share on twitter
Share on pinterest
Share on linkedin

Trước đây, tôi từng vô tình chia khoản tiền của mình kiếm được theo phương pháp ngón tay cái một cách vô thức, khác về tỉ lệ. Tôi sử dụng hết 50% cho các khoản như thuê trọ, ăn uống và điện nước; 40% cho du lịch, mua sắm, hẹn hò và học hành; còn 10% cho tiết kiệm. Sau này, khi tìm hiểu về tài chính cá nhân, tôi biết đến phương pháp Ngón tay cái – ngân sách 50/20/30. Hi vọng bài viết tổng quát về ngân sách 50/20/30 sẽ giúp các bạn mới bắt đầu sẽ xây dựng kế hoạch cho tiền của mình.

Nguyên tắc ngón tay cái (hay còn gọi là nguyên tắc ngân sách 50/20/30 hoặc 50/30/20) được viết bởi thượng nghị sĩ Mỹ Elizabeth Ann Warren. Nguyên tắc này được xuất hiện trong cuốn sách của bà “All Your Worth: The Ultimate Lifetime Money Plan”, xuất bản năm 2006. 50/20/30 được phổ biến rộng rãi trên khắp nước Mỹ và toàn thế giới bởi tính dễ áp dụng của nó.

Ngân sách 50/30/20 là một bước cơ bản để tạo lập ngân sách tài chính hoàn chỉnh và hợp lý. Điểm mấu chốt của quy tắc này đó là chia thu nhập sau thuế và phân chia ngân sách như sau:

50% – phục vụ nhu cầu cá nhân, thường nhu cầu cơ bản và thiết yếu nhất

20% – tiết kiệm

30% – mong muốn khác

Tỉ lệ phần trăm có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh của mỗi người, theo từng tháng. Ví dụ, bạn cần chi 60% cho nhu cầu, 30% mong muốn, 10% tiết kiệm vào tháng 1, sang tháng 2, bạn chỉ cần 40% cho nhu cầu, 20% mong muốn và 40% tiết kiệm.

50% Nhu cầu

Nhu cầu là những thứ thiết yếu mà bạn bắt buộc phải sử dụng như:

  • Nước
  • Điện
  • Thức ăn
  • Nơi ở
  • Dầu gội, kem đánh răng
  • Đi lại và mạng điện thoại
  • Bảo hiểm
  • Chăm sóc sức khỏe
  • Thanh toán khoản nợ tối thiểu

Danh sách những nhu cầu không bao gồm:

  • Ăn uống ở ngoài
  • Trả phí mua tài khoản xem phim như Netflix, Vieon, FPT play,…
  • Uống café Highlands
  • Uống bia Tạ Hiện
  • Trà đá chém gió với bạn bè – nếu có thể
  • Đồ ăn khuya
  • Mua xe đạp địa hình nếu bạn không phải là vận động viên

Nguyên tắc quan trọng của 50/20/30 là bạn không nên chi tiêu quá 50% ngân sách cho nhu cầu, nếu vượt quá thì bạn nên tìm cách điều chỉnh.

Một số điều bạn có thể cân nhắc:

  • Cắt giảm chi phí cho phương tiện đi lại như xe ô tô, xe máy, thay vào đó đi làm bằng xe đạp (nếu bạn thích) hoặc sử dụng phương tiện công cộng nếu thuận tiện
  • Thuê một phòng trọ bé hơn hoặc dời chỗ ở tránh chỗ trung tâm đắt đỏ
  • Tìm sữa Việt hợp với con hơn là mua sữa nhập khẩu
  • Cắt giảm và hạn chế bột giặt, nước rửa chén bát (tối giản)

20% Tiết Kiệm

Tiết kiệm quan trọng hơn mong muốn bản thân, vì thế nó nên được đặt ưu tiên sau chi phí dành cho nhu cầu. Trong một số lời khuyên thì tiết kiệm đặt lên hàng đầu. Như bạn nên dành 10% tiết kiệm rồi hẵng chi tiêu.

Dù thực hiện theo nguyên tắc nào, tiết kiệm là một phần cực kì quan trọng. Bạn hãy phân bổ 20% thu nhập ròng cho tiết kiệm. Khoản tiền này bạn có thể sử dụng vào đầu tư chứng khoán, nhà đất, chứng chỉ quỹ, gửi tiết kiệm ở ngân hàng có lãi suất tốt và đừng quên dành một ít cho quỹ dự phòng khẩn cấp. Tiết kiệm cũng bao gồm hưu trí, mua nhà, thanh toán nợ….

Trong trường hợp, quỹ khẩn cấp chưa có, bạn nên đặt ưu tiên cho quỹ này, số tiền cần có từ 3 đến 6 tháng thu nhập hiện tại của bạn. Nếu bạn bị mất việc do công ty cắt giảm nhân sự, do dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, bạn vẫn có đủ tiền để sinh hoạt và tìm kiếm một công việc mới.

30% Mong muốn

Một số người nói rằng mong muốn của bản thân là quan trọng. Đối với tôi, sau khi bạn đã chi tiêu cơ bản thì cần bảo vệ chính mình, rồi mới nghĩ tới những mong muốn khác – không cần thiết.

Hà Nội những ngày giãn cách xã hội, đã gần 4 tháng chúng tôi chưa xem một bộ phim nào ngoài rạp chiếu phim. Tôi nhớ phim cuối cùng tôi được xem là “Bố già” của Trấn Thành. Trước đây, chúng tôi đi xem phim 1 tháng 2 lần, giờ ko đc xem phim ở rạp cũng rất bình thường. Đây là 1 khoản không cần thiết.

Tôi đã phải hủy 2 chuyến du lịch đi Đà Nẵng trong vòng 6 tháng vì dịch bệnh. Chúng tôi cảm thấy bình thường và cảm thấy may mắn vì hủy được chuyến du lịch ấy. Đó cũng là một khoản tiền không cần thiết.

Tuy nhiên, khi cuộc sống bình thường, chúng ta cũng muốn những lần đi xem phim ở rạp để gắn kết vợ chồng, đi du lịch để cân bằng, nghỉ ngơi sau những ngày lao động mệt mỏi. Nhiều người thích mua sắm, săn sale hàng hiệu làm niềm vui và họ hạnh phúc vì tậu được món đồ đẹp. Tôi cho đó là mong muốn – cũng cần được đáp ứng, khi cần.

Khi lập ngân sách, 30% dành cho mong muốn để tận hưởng cuộc sống nhưng bạn cũng nên cân đối với tình hình tài chính của mình, điều chỉnh tỉ lệ phù hợp.

Mong muốn của bạn hay của gia đình là những điều giúp hạnh phúc hơn, thú vị và giải trí.

Cuộc sống sẽ luôn có những sai số khác với những gì chúng ta tính toán ban đầu. Những gì bạn đã dự định có thể sẽ lệch so với vạch bạn quy định. Ngân sách 50/20/30 chỉ là một hướng dẫn cơ bản giúp bạn lập kế hoạch nhưng không theo dõi chi tiết . Bạn có thể dựa vào cách này để xây dựng một bản lập kế hoạch ngân sách cho tài chính cá nhân đầy đủ và trọn vẹn hơn.

Lời nhắn gửi tới một cây viết

Các bài viết liên quan