Đen Trắng Tập trung hình ảnh Công nghệ Tài chính (Fintech) Bản thuyết trình Công nghệ (5)

Lập ngân sách – lên kế hoạch cho tiền của bạn

Share on facebook
Share on twitter
Share on pinterest
Share on linkedin

Tôi biết rằng, lập ngân sách là một bước khiến nhiều người không thích và nghĩ rằng mất thời gian. Tôi cũng đã từng không lập một bảng ngân sách nào trong một thời gian dài cho đến khi lập gia đình. Tôi nhận ra những sai lầm của chính bản thân vì đã không biết cách kiểm soát đồng tiền mình đã kiếm được.

Có thể nói rằng, lý do đầu tiên không lập bản ngân sách đó là lười. Đa số mọi người đều nghĩ tiền đã nắm trong tay, không sợ thất thoát đi đâu mất. Nhầm rồi! Chúng ta đang chạy theo đồng tiền và rượt đuổi nó đến hụt hơi bằng những khoản nợ, khoản thanh toán gây đau đầu mất ngủ.

Tiền chi phối hầu hết mọi hoạt động trong cuộc sống của chúng ta. Tại sao ngay từ bây giờ chúng ta lập ngay một bản kế hoạch cho TIỀN của bạn hoạt động có nề nếp và hiệu quả. Giải thoát bạn khỏi những cơn đau đầu mất ngủ vì những phân vân “Tiền đi đâu mà hết nhỉ?”.

Để từng đồng tiền làm đúng việc của nó

Giống như việc bạn lên kế hoạch cho công việc, học tập hay du lịch, lập kế hoạch cho tiền của bạn cũng cần sự tính toán cẩn thận và chi tiết. Lập ngân sách chính là lập kế hoạch cho tiền của bạn hoạt động theo ý bạn muốn. Ngân sách là công cụ tốt nhất để bạn học cách “bắt” đồng tiền phục vụ cho cuộc sống của bạn.

Đồng tiền sinh ra để hoàn thành sứ mạng phục vụ con người đúng không?

Thế nhưng, tại sao nhiều người lại khổ não vì nó?

Vậy thì: Hãy đưa đồng tiền về đúng vị trí – nơi nó thuộc về và hoạt động theo cách bạn muốn!

Lập ngân sách có phải là thắt chặt và hạn chế chi tiêu cho bản thân?

Điều này có thể đúng hoặc sai. Đúng là có sự hạn chế chi tiêu, nhưng là các khoản không cần thiết. Sai là bạn vẫn dành tiền cho bản thân mình bằng một cách đỡ đau đầu hơn. Tôi cá rằng khi bạn lập ngân sách ra một trang giấy, nhìn tổng thể, bạn sẽ nhận ra mình tiêu khoản không cần thiết ở đâu.

Lập ngân sách là để tính toán làm sao tiền giúp bạn đạt được mục đích. Ví dụ: một chuyến du lịch cho cả gia đình, mua một ngôi nhà mới, chi phí cho con cái tham gia các môn nghệ thuật ngoài trường,…

Bạn không thể nào giống như ăn kiêng và bỏ những món ăn yêu thích ra khỏi thực đơn hằng ngày. Lâu dần, bạn sẽ rơi vào trạng thái căng thẳng. Thậm chí, sau đó bạn còn ăn nhiều hơn trước khi ăn kiêng. Điều này không nên xảy ra với tài chính và cuộc sống của bạn.

Việc lập ngân sách là một điều quan trọng mà tôi cho là một điều thiết yếu để xây dựng tự do về mặt tài chính. Nhưng bạn không nên thắt chặt quá mức để khiến tình trạng của bạn, chồng và con cái trở nên âu sầu và khổ não. Điều này là không nên. Bạn vẫn dành cho mình những khoản tiền mang tên: Giải trí, du lịch trong bản ngân sách. Cân bằng chi tiêu để đạt được điều bạn đã vạch ra.

Một số bí quyết giúp bạn thiết lập ngân sách

Thảo luận với người bạn đời

Trong năm đầu hôn nhân, vợ chồng tôi đã phung phí nhiều tiền bạc lãng phí và vô tổ chức. Việc bất đồng trong chi tiêu và không kiểm soát đồng tiền đã khiến chúng tôi đau đầu. Né tránh nói về tài chính đã đẩy đi xa những mục đích ban đầu của chúng tôi. Điều cần làm, là một người phụ nữ với sự nhạy cảm nhất định, tôi đã cùng chồng nói chuyện để đưa ra thực trạng, nguyên nhân và giải pháp cho tài chính.

Điều này, thực sự có hiệu quả, ít nhất đối với gia đình tôi. Chúng tôi đã luôn cùng nhau lập ra những bản ngân sách hàng tháng, càng gắn bó và dễ nói chuyện với nhau nhiều hơn.

Một cuộc nói chuyện nghiêm túc về tiền với bạn đời – không phải là dễ nhưng không hẳn là khó khăn. Điểm mấu chốt là ai cũng thích tiền, thích cuộc sống tốt hơn và có thể hưởng thụ đồng tiền mình kiếm được. Bạn có thể làm cùng với chồng để đưa ra bản ngân sách tốt nhất.

Tại sao phải thực hiện cùng người bạn đời?

Hai người sẽ có cái nhìn tốt hơn cho vấn đề chi tiêu, tiết kiệm và các mục đích tài chính khác. Bạn có thể là một người phụ nữ biết tính toán tốt. Điều đấy không còn gì tuyệt vời bằng nữa.

Ý kiến của người bạn đời sẽ giúp bạn điều chỉnh bản ngân sách hoạt động đúng với mong muốn không chỉ bạn mà còn cả gia đình. Thống nhất tất cả các danh mục trong bản ngân sách cùng bạn đời và cùng thực hiện nó.

Đối với những người độc thân, bạn cũng có thể lưu tâm đến ý kiến này. Các bước thực hiện cũng giống nhau, bạn có thể tự tìm hiểu và vạch ra những mục đích cho chính mình.

Điều quan trọng, chúng ta luôn biết tiền của mình ĐẾN từ đâu, ĐI nơi nào, TIẾT KIỆM ra sao và BÁM SÁT vào ngân sách.

Sử dụng tiền mặt cho một số hoạt động bội chi

Bạn đã khi nào rơi vào trường hợp như mua quần áo quá tay theo cảm xúc (đặt hàng qua Shopee, Tiki, Lazada); mua cái túi của thương hiệu yêu thích khi đi chơi trong trung tâm thương mại,… Ồ, phụ nữ mà! Mình đã từng như vậy rất nhiều lần, nhất là khi còn đi làm tại công sở. Kết quả, nhiều lần đặt hàng không nhớ đã đặt, số tiền chi đã vượt quá khoản đang có và nợ thẻ tín dụng.

Ngay sau khi gặp những vấn đề trên, mình đã tìm ra một số cách để hạn chế bản thân như không mua hàng khi vui buồn; lưu giỏ hàng sau một hai ngày để xem có thực sự cần thiết hay không;… Một trong những cách mình nghĩ hiệu quả nhất chính là: Sử dụng tiền mặt.

Trong bản ngân sách, với hoạt động cho giải trí, mua sắm, bạn hãy đặt một khoản tiền mặt nhất định. Điều này giúp bạn ý thức được cơn nghiện mua sắm của bản thân. Hãy giữ lại các hóa đơn để xem lại bản thân đã sử dụng tiền như thế nào và nghiên cứu hoạt động chi tiêu.

Ví dụ: Bạn dành 4 triệu đồng cho hoạt động giải trí bằng tiền mặt hàng tháng. Mỗi tuần, bạn cố gắng chi tiêu 1 triệu đồng. Nếu tuần nào tiêu quá số tiền này thì đồng nghĩa các tuần sau sẽ phải cắt giảm bớt để không lố khoản cho phép.

Tại sao không nên sử dụng thẻ?

Người ta thường hay nói “Có thẻ là quẹt vô tội vạ”. Điều này lại càng đúng khi bạn sử dụng thẻ tín dụng – tiền trong thẻ không phải của mình. Mua sắm theo cảm xúc rất dễ “quẹt vô tội vạ”, bởi bạn đang bất chấp để chiều theo tâm trạng của bản thân. Tiền trong thẻ tín dụng không phải tiền của bạn. Sau khi bạn mua sắm, bạn sẽ trở thành một con nợ.

Hi vọng, bạn sẽ nghe lời khuyên của tôi đó là: Hạn chế mang thẻ tín dụng theo người, nếu không thực sự cần thiết, hãy loại bỏ chúng ra khỏi ví!

Cài đặt một số ứng dụng trên điện thoại của bạn

Hiện nay, có rất nhiều ứng dụng cài đặt trên điện thoại dễ dụng cho bạn lập ngân sách. Bạn sẽ luôn theo dõi chi tiêu mọi lúc mọi nơi và truy cập vào bất cứ khi nào bạn muốn.

Một số ứng dụng có thể đồng bộ hóa với chồng của bạn, giúp cả hai đều có thể theo dõi những khoản thu chi của nhau và chi tiêu hợp lý, khôn ngoan hơn.

Bài viết khác của tôi về bước lập kế hoạch tài chính tại đây.

Lời nhắn gửi tới một cây viết

Các bài viết liên quan