mot-cay-viet

Không có lựa chọn nào dễ dàng!

Share on facebook
Share on twitter
Share on pinterest
Share on linkedin

Để đến với tự do, ai cũng cần phải đấu tranh.

Để lựa chọn nghề Freelance, bạn cần có sự dũng cảm.

Khi mới nghỉ việc và dấn thân vào con đường làm Freelance, mình hay nghe những lời nói như:

  • Sướng nhỉ, ngồi nhà làm gì thì làm, chẳng ai quản!
  • Như mày thích rồi, lo gì, chẳng mấy mà giàu thôi!
  • Được như vậy là bao người mơ ước đấy!

Mình thực sự không hiểu, nếu làm Freelance là việc bao người mơ ước thì tại sao không ai dám nghỉ việc để làm nhỉ? Tại sao mọi người vẫn đi làm ở công ty với ngày tám tiếng, chấm công mỗi ngày? Tại sao không thử bỏ việc giống mình?

Bài viết này của mình nói về những khó khăn của một người làm Freelance gặp phải thời gian đầu. Những trăn trở, khó khăn thầm lặng và những cảm xúc đè nén mà chẳng thể kêu ai, bởi đã dám từ bỏ sự ổn định thì chẳng biết than vãn nữa.

Mình học Freelance Business của chị Linh Phan từ tháng 5 nhưng thực sự có sản phẩm đầu tay là những bài báo từ tháng 8. Thời điểm từ một tay ngang nhảy sang lĩnh vực viết lách, mình choáng ngợp với một lượng kiến thức bắt buộc phải học để có thể theo đuổi nghề này. Mình lựa chọn ở “ẩn” và nghiền ngẫm về một quá trình sắp tới phải đi. Có những lúc, mình gặp khó khăn với tài chính đến mức muốn trở lại làm công việc văn phòng và nhận lương đều đặn mỗi tháng. Thế có phải hay không, sao cứ cặm cụi làm những gì mình chưa biết sẽ tới đâu chứ? Nhưng bạn biết không, cảm giác chìm đắm trong con chữ, nó phê lắm! Nếu không tin, bạn thử xem sao. 

 

Làm chủ bản thân

Có lẽ đây là cụm tự mà mình nghĩ quan trọng nhất đối với một người làm nghề Freelance. Làm chủ bản thân bao gồm:

Làm chủ công việc của mình

Bạn tự tìm kiếm khách hàng, lập kế hoạch ngân sách và xây dựng những việc giống như một công ty nhỏ, ở đó bạn vừa là chủ vừa là nhân viên. Bạn cần sự quyết đoán của một ông sếp và cần chăm chỉ hoàn thành công việc do chính mình tự giao phó. Mỗi một ngày, bạn không hoàn thành công việc hay dồn ứ qua tháng khác, “công ty” của bạn chẳng khá lên được. Bạn luôn phải đặt ra mục tiêu và chạy “show” vào cuối tháng. Bạn vừa ra lệnh bản thân phải làm điều gì đó rồi tự mình hoàn thành. Nếu bạn dung túng bản thân, các công việc chỉ mãi là bản kế hoạch trên trang word mà thôi.

Làm chủ thời gian

Quy định cho bản thân giờ giấc như lúc còn đi làm ở công ty hoặc tuỳ theo hoàn cảnh. Miễn sao bạn hoàn thành công việc. Mình thích Freelance vì được FREE về thời gian nhưng cũng là điểm cần lưu ý, càng FREE càng dễ sa đà vào những thú vui khác.

Tự chủ về tài chính

Thời gian đầu, bạn có thể không kiếm được đồng nào đâu. Vì thế, trước khi nghỉ việc, bạn hãy chuẩn bị cho mình một khoản tiền đủ chi mức sống cơ bản. Mình đã dự tính khoản tiền dự phòng và trợ cấp thất nghiệp khoảng 6 tháng. Với khoản này, mình cho phép bản thân được thất nghiệp trong thời gian đó và phải có khách hàng vào tháng cuối cùng. 

Những nỗi sợ hãi

Bỏ việc, ai chẳng sợ vì không có gì làm.

Làm Freelance sợ không có ai ngó ngàng.

Sợ tương lai chẳng làm được gì!

Đây là nỗi sợ của mình ngay từ đầu theo học viết lách. Một nỗi sợ thừa thãi vì lo điều chưa tới, trong khi việc cần là phải bắt tay xây dựng từng viên gạch đầu tiên. Tương lai chính là điều bạn đang mơ và thực sự hành động vì nó. Mình không dám nói với quãng thời gian ngắn ngủi vừa qua, bản thân đã làm được gì và chạm tới ước mơ hay chưa. Nhưng những gì mình có cơ hội trong thời gian rồi là những thứ đã-đang-sẽ tiếp tục mơ mộng của bản thân.

Sợ những bài viết không “like”, những dòng “cap” không ai đọc

Thời gian đầu, mình đã có nỗi sợ này và hết dần theo thời gian. Những gì bạn viết không phải ai cũng là độc giả. Mình hiểu điều đó khi dần công khai những bài trong blog. Nếu bài của bạn chỉ có một vài lượt thích hay bình luận, điều đó nghĩa là nội dung phù hợp với họ. Nỗi sợ này nên có nhưng không để nó sống quá lâu.

Sợ những lời phán xét

Thực ra, mình không nghĩ tới những lời phán xét và công kích lắm. Việc của mình cứ làm và con cá vẫn cứ bơi. Nếu bạn ở một nơi chỉ có những lời nói tiêu cực, hãy tìm cách thoát ra khỏi đó.

Sợ nội dung chưa đủ tốt

Mình thường trăn trở về điều này rất nhiều lần. Chưa phải là cây viết có kinh nghiệm, mình cần làm gì để tốt hơn mỗi ngày? Làm sao nội dung chất lượng hơn, bài viết cần thay đổi điều gì? 

Mình nghĩ quá nhiều về điều đó và không viết được chữ nào trong một khoảng thời gian. Cho đến khi mình nhận ra, cứ viết thôi, đừng nghĩ nhiều! Viết nhiều thì nội dung đủ sâu sắc vào thời điểm nào đó. Viết nhiều rồi nội dung chất lượng hơn. Phải viết thật nhiều, mình luôn tự nhủ như vậy. 

Sợ chưa làm tròn trách nhiệm của một người viết

Trách nhiệm của cây viết là gì? Bạn đã nghĩ tới chưa? Mình nghĩ về điều này khi đọc cuốn sách “Để thành nhà văn” của Thu Giang – Nguyễn Duy Cần. Xin mượn một câu trích trong cuốn sách này để làm câu kết cho bài viết: Trở thành nhà văn thôi chưa đủ. Phải trở thành nhà văn chân chính, xứng đáng với danh xứng của nó.

Mình không phải là nhà văn hay chưa trở thành một tác giả, chỉ là một cây viết nhỏ bé. Mình có những tuyên ngôn viết lách riêng của bản thân và đi theo suốt cả cuộc đời làm nghề này.

Ảnh: Pexels.com

Lời nhắn gửi tới một cây viết

Các bài viết liên quan