Câu chuyện tài chính

Chúng tôi sinh ra vào thời không ai nói chuyện tiền bạc với trẻ con

Share on facebook
Share on twitter
Share on pinterest
Share on linkedin

Chúng mình sinh ra vào thời không ai nói chuyện tiền bạc với trẻ con. Bố mẹ làm lụng vất vả để con cái học hành với hi vọng tương lai không phải gắn liền với con trâu, đồng lúa. Những thiệt thòi của gen Y thời ấy khiến mình bận lòng suy nghĩ. Chị gái mình thuộc thế hệ 8x, là công chức nhà nước với mức lương tạm ổn ở quê. Ra trường, đi làm rồi lấy chồng và sinh con, chị không có một cuốn sổ tiết kiệm nào.

Khi mình nói chuyện với chị về việc tiết kiệm, chị gạt ngay “ôi, nhiều việc phải lo lắm, tiền đâu mà tiết với chả kiệm”. Tự nhiên, lòng mình thắt lại. Phải rồi, từ trường đến nhà, chúng mình chỉ được dạy rằng phải học hành thật tốt và tìm lấy một công việc ổn định. Mình và những người bạn cùng quê kiếm được một công việc với mức lượng khá ở thủ đô, nhưng vẫn tay trắng sau bao năm đi làm. Chẳng trường học nào dạy về tài chính cá nhân, bạn bè gặp nhau cũng tránh nói về tiền bạc vì sợ bị đánh giá là “vật chất”.

Mãi đến sau này, mình nhận ra tài chính cực kì quan trọng trong mỗi gia đình. Không quan trọng sao được, nhiều cặp vợ chồng mà mình biết cãi nhau chỉ vì tiền bạc. Những nghi ngờ và mối bất hòa đến từ việc không kiểm soát tiền chi tiêu, không tích lũy hay không có khoản dự phòng khi có việc cấp bách,…. Không chỉ với gia đình, những người mới đi làm như tụi mình hồi đó cũng cần hiểu biết về tài chính để tránh những rắc rối vì chi tiêu quá đà.

Mình hướng dẫn chị gái về đầu tư nhưng chẳng khác nào dạy đứa trẻ mẫu giáo đọc chữ, không hiểu bất cứ một khái niệm – dù khá phổ biến nào. Chị mình mù về tài chính.

Có lẽ khái niệm mù tài chính còn ít người biết tới hoặc nhiều người thậm chí không biết họ có điểm mù này hay không. Có lẽ ai đó nghĩ rằng chỉ cần biết tính toán cộng trừ nhân chia cơ bản – những gì còn sót lại sau 12 năm đèn sách, là đủ rồi. Có lẽ vì thế, nhiều người dễ dàng trở thành miếng mồi ngon cho những tay môi giới tiền ảo, chứng khoán ảo, bất động sản ảo,….

Thị trường Việt Nam liệu có quá lớn cho những tên lừa đảo khai thác hay không? Mình không rõ chúng đã “ăn” được bao nhiêu đồng tiền mòn mỏi kiếm được của người lao động. Bao giờ mới thôi rơi vào cái lưới chúng giăng ra?

Khi những vụ lừa đảo xuất hiện trên ti vi, mình nhắn ngay với chị gái rằng “đừng chơi tiền ảo đấy nhé!” và thở phào nhẹ nhõm khi chị gửi lại “biết gì đâu mà chơi”. Ở quê mình, nhiều người vẫn lao vào đầu tư dù không hiểu rõ đó là cái gì, vậy khác nào một canh bạc?

Việt Nam đứng top cuối trong gần 200 nước về dân trí tài chính, tỉ lệ hiểu biết cơ bản là 24% (Theo The S&P’s Global Financial Literacy Survey). Mình đồ rằng hầu hết những người hiểu biết cơ bản đó được đào tạo tại trường đại học, cao đẳng chuyên ngành kế – kiểm toán. Thực tế, nhiều người dù đã được học hành bài bản về kế toán (dành cho doanh nghiệp) nhưng tài chính của bản thân và gia đình rất tệ. Một ví dụ không đâu xa là mình. Với 3 năm học chuyên ngành kế toán, mình chẳng hiểu gì về tiền của bản thân trong một thời gian.

Khi dự định theo đuổi viết lách lâu dài và đứng giữa các sự lựa chọn, mình đã trình bày với cô giáo của mình về việc chọn lĩnh vực tài chính cá nhân rằng: “Vì em đã được khai sáng từ một người khác, em nhận ra xung quanh mình nhiều người đang mắc kẹt giống bản thân đã từng, em muốn giúp, dù nhỏ thôi cũng được”. Mình không nhớ chi tiết nhưng đại ý như vậy. Mình đã bắt tay vào viết kể từ lúc đó với sự hướng dẫn và thúc đẩy của cô giáo.

Hiện nay, mình đang xây dựng một cộng đồng nho nhỏ về tài chính dành cho phụ nữ (Phụ nữ và tài chính) với mục đích không khác những gì đã từng chia sẻ với cô giáo của mình. Mình hi vọng group góp phần nào đó giúp chị em phụ nữ có tư duy tiền bạc đúng đắn và biết cách lập kế hoạch hướng tới tự do tài chính hoặc nghỉ hưu bất cứ lúc nào muốn, đồng thời không phụ thuộc vào ai.

Lời nhắn gửi tới một cây viết

Các bài viết liên quan